Nhà máy xi măng nổ mìn, dân hứng 'mưa đá'

16/12/2013 08:27 GMT+7

Sau một tiếng nổ lớn ở khu A của mỏ Trại Sơn, đá văng vào nhà hơn 40 hộ dân thôn 10 và 11, xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).

Công ty xi măng Phúc Sơn có nhà máy cạnh sông Kinh Thầy, trên địa bàn huyện Kinh Môn, Hải Dương, nhưng mỏ đá Trại Sơn của công ty này lại nằm trên địa bàn xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Việc nổ mìn lấy đá tại đây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân địa phương.

 Nhà máy xi măng nổ mìn, dân hứng “mưa đá”
Nhà máy xi măng bị dân tố gây ra "mưa đá" - Ảnh: V.N.K

Ông Trần Văn Nam, trú ở thôn 10 xã An Sơn, cho biết chiều 26.11 vừa qua, sau một tiếng nổ lớn ở khu A của mỏ Trại Sơn, đá văng vào nhà hơn 40 hộ dân thôn 10 và 11.

“Mỗi lần nổ mìn là đồ đạc trong nhà lại rung lên bần bật như động đất. Tường nhà nứt, nhà cấp 4 thì hư hỏng nặng, gạch ngói vỡ rơi xuống loảng xoảng còn tường rào thì xé làm đôi”, ông Nam cho biết.

Trưa 13.7, một vụ nổ mìn cũng làm đá rơi vào một số nhà dân thôn 10, đá còn bắn xuống ruộng lúa cách mỏ tới 500 m, rất may không ai bị thương.

Chung cảnh ngộ như người dân An Sơn, 15 gia đình ở xóm Hang Len, xã Lại Xuân, cũng bị đảo lộn cuộc sống.

Ông Đào Văn Đến, 43 tuổi, sống tại đây đã gần 20 năm cho biết: “Hơn chục năm qua, chúng tôi chưa một ngày nào được yên giấc. Hằng ngày tiếng mìn nổ, tiếng máy chạy liên tục làm chúng tôi không ai ngủ nổi, nhất là người già, trẻ con”.

Trước cửa nhà ông Đến là nhà của ông Ngô Văn Quang đã bỏ hoang 5 năm nay. Ông Quang từng ở đây nhưng vì không chịu nổi nên phải vào làng ở. Con trai ông Quang lại ra trông nhà một thời gian cũng đành 'bỏ của chạy lấy người'.

Xóm Hang Len nằm trong thung lũng, xung quanh là núi đá vôi. Dọc con đường 4 km vào xóm, bột đá phủ trắng xóa, bụi bay trắng trời nhưng người dân vẫn phải dùng nước mưa, một số hộ sợ nước mưa cũng đã bị ô nhiễm nên phải lọc nước sông Kinh Thầy để dùng.

Theo ông Lương Mạnh Hà, trợ lý Tổng giám đốc Công ty xi măng Phúc Sơn, năm 2012, công ty đã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do việc nổ mìn ở thôn 10 và 11 của xã An Sơn là 1,4 tỉ đồng, ngoài ra, còn có tiền "chấn động" 1,6 tỉ đồng trong 3 năm. Ở xã Lại Xuân, năm 2012, công ty này hỗ trợ người dân 960 triệu đồng, năm 2013 mỗi hộ dân được nhận 750.000 đồng tiền chấn động. Tuy nhiên, người dân ở khu vực này vẫn không hết bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, cho biết: 15 hộ dân xóm Hang Len đã nằm trong diện di dời nhưng chưa có đất tái định cư, ít nhất thì phải nửa năm nữa những hộ dân này mới được chuyển đến nơi ở mới và hiện họ vẫn phải sống dưới những cơn 'mưa đá' do nhà máy nổ mìn...

Vũ Ngọc Khánh

>> Nổ mìn, đá bay vào nhà dân
>> Phải múc mắt vì nổ mìn phá đá
>> Nổ mìn phá đá làm nứt nhà dân
>> Chấn chỉnh việc nổ mìn khai thác đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.