Công chúa Ngọc Vạn và vùng đất Nam bộ

Vì sao triều đình Chân Lạp cầu thân với xứ Đàng Trong?

26/02/2023 08:05 GMT+7

Mở trang sử nước nhà, chúng ta thấy năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, sau đó được vua Lê cho kiêm luôn Quảng Nam, gọi chung là vùng đất Thuận Quảng, xứ Đàng Trong, tên chữ là Nam Hà.

Biên giới phía cực Nam của nước Ðại Việt hay Nam Hà lúc đó chỉ mới tới dãy núi Ðèo Cả. Bước qua bên kia là lãnh thổ nước Chiêm Thành. Xa hơn nữa là lãnh thổ nước Thủy Chân Lạp.

Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp.

Vì sao triều đình Chân Lạp cầu thân với xứ Đàng Trong?  - Ảnh 1.

Một chuyến đi công cán của quan xứ Đàng Trong

Tư liệu

Ông là người thông minh, có tài, có chí lớn, có cái nhìn chiến lược, muốn làm nên sự nghiệp, lưu danh hậu thế. Ông luôn nhớ lời di huấn của cha:

"Ðất Thuận - Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Ðá Bia (Thạch Bi Sơn) bền vững. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ thời cơ, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta". (Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của Viện Sử học, NXB Sử học, Hà Nội 1962, tập I, trang 44).

Nguyễn Phúc Nguyên thường nghe cha kể mối thù của họ Trịnh đối với gia đình mình, đã giết hại bác ruột Nguyễn Uông của mình để cướp công phò nhà Lê của ông nội mình, cần phải trả. Nhưng nhìn lại, thấy địa bàn quản lý còn nhỏ hẹp, núi non rộng hơn ruộng đồng, nhân lực còn yếu, kinh tế còn thấp kém, lương thực sản xuất hàng năm chỉ đủ nuôi sống dân qua ngày, chưa có dư để tích trữ phòng xa, lấy gì đối phó với lực lượng của họ Trịnh đang ngự trị cả Bắc Hà rộng lớn, giàu mạnh? Do đó, đêm ngày Nguyễn Phúc Nguyên suy nghĩ, tìm cách gì để mở rộng bờ cõi, tìm thêm ruộng đất màu mỡ cho dân chúng canh tác, sinh sống, mà không phải dùng đến binh đao?

Ông bèn đem ý kiến đó hỏi các cộng sự thân tín dưới trướng như Trần Ðức Hòa, Ðào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật và em ruột là Tôn Thất Khê. Mọi người cùng bàn và nhận thấy ở phương Nam, nước Chân Lạp có vùng Thủy Chân Lạp rộng lớn, còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, nếu đưa được dân nghèo của ta vào đó khai phá, lập làng xóm, thôn ấp, mở rộng được bờ cõi sẽ có lợi lớn về lâu về dài.

Nếu triều đình xứ Ðàng Trong Ðại Việt chúng ta kết thân được với vua Chân Lạp, giúp họ binh lực chống lại quân Xiêm, chắc là điều mong muốn trên đây của chúng ta sẽ thành tựu, mà không phải dùng đến can qua, khỏi mang tiếng là kẻ xâm lược. Muốn kết giao với Chân Lạp, không gì hay bằng noi gương Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngày xưa.

Mọi người cho là diệu kế, nhưng chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn hơi dè dặt, sợ dư luận đàm tiếu, cho rằng Ðại Việt là nước mạnh mà đi cầu thân với nước yếu có phương hại tới quốc thể, nhất là bọn nho sĩ gàn, họ sẽ đặt ca dao cho dân chúng rêu rao, làm thơ mỉa mai, châm biếm như trường hợp công chúa Huyền Trân ngày xưa.

Ðể trấn an chúa, Ðào Duy Từ hiến kế, việc này chỉ thực hiện trong cung điện triều đình, không loan báo ngoài dân chúng, ra lệnh cho các sử quan không được viết một câu nào vào sử sách, kể cả trong Hoàng triều ngọc phổ. Cách làm là ta sẽ dùng thuyết khách. Nhắc lại vào cuối triều Trần, khi bị quân Trương Phụ đánh thua, quân kháng chiến của ta rút chạy xuống vùng Mội Xuy thuộc Thủy Chân Lạp tị nạn và lưu lại đó lập nghiệp, đến nay đã hơn 200 năm, chắc con cháu họ có người am hiểu tiếng Chân Lạp, quen biết nhiều người Chân Lạp, ta có thể tìm giao cho họ nhiệm vụ làm thuyết khách, trình bày với triều đình Chân Lạp muốn thoát khỏi sự kiềm chế của Xiêm, nên cầu thân với triều đình xứ Ðàng Trong Ðại Việt. Mọi người cho là thượng sách, nên tiến hành  ngay. (còn tiếp)

Về câu chuyện chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, trong sử Việt không có lấy một câu. Ngày nay chúng ta biết được là nhờ biên niên sử của Chân Lạp, nhưng cũng ghi rất sơ lược. Những nhà nghiên cứu viết về câu chuyện này, mỗi người suy luận theo cảm tính của mình, không ai giống ai. Vì vậy ở đây chúng tôi cũng kể lại câu chuyện theo cảm tính cá nhân, sắp xếp sự việc sao cho hợp lý, logic, gần với thực tế. Ví dụ như việc vua Chân Lạp cầu thân với chúa Nguyễn. Bấy giờ lực lượng của chúa Nguyễn chưa có gì, chưa có chiến công nào vang dội, địa bàn hoạt động chỉ bằng bàn tay, làm sao vua Chân Lạp biết được ở phía bắc có một nước có thể giúp mình để cầu thân? Chỉ có chúa Nguyễn và triều đình của chúa có tầm nhìn chiến lược, biết được ở phương nam có vùng đất hoang hóa có thể làm nơi dụng võ được, nên mới bày ra trò hôn nhân, kết tình sui gia để có đất cho dân sinh sống. Cách làm thì không để cho người ta coi thường mình là người đi cầu cạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.