Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 5: Bí ẩn bia đá và hồ không cạn nước

23/11/2013 09:00 GMT+7

Những bia đá cổ, dấu chân khổng lồ trên núi đá, cối đá khổng lồ nằm trơ giữa đồng cùng giếng tiên trên các đỉnh núi và hồ không cạn nước đã góp thêm phần kỳ bí cho Thất Sơn.

Những bí ẩn chưa giải mã


Cối đá khổng lồ  

Núi Cô Tô, còn gọi là Phượng Hoàng Sơn, ở xã Cô Tô, H.Tri Tôn (An Giang), là một trong những ngọn núi đẹp của Thất Sơn. Người già kể rằng ngày xưa núi có nhiều chim phượng hoàng nhưng nay đã tuyệt tích.

Theo dân gian truyền tụng, ngày xưa tiên hay bay xuống núi chơi nên trên đỉnh núi đến nay vẫn còn lưu lại dấu chân tiên. Ông Võ Xên, người được mệnh danh “thần đèn núi Sập” do có biệt tài chống nhà cao tầng nghiêng lún, kể: “Do hiếu kỳ tôi đi xem. Đó là một dấu hài khổng lồ, tôi thử đo nó dài khoảng 1,03 m, mỏm hài rộng 0,3 m và dấu bị lõm hằn xuống phiến đá khoảng 0,3 m. Sau đó, tôi nghe người dân kể núi Ba Thê, núi Cấm, núi Két cũng có dấu chân tiên nên đi kiểm tra nhưng các dấu chân này rất mờ như có bàn tay con người tác động”.

Ông Xên nói tất nhiên không thể có người khổng lồ hay tiên xuống trần gian chơi để lại dấu chân nhưng ông đã kiểm tra kỹ thì đấy là vết hài lõm tự nhiên, không phải do con người đục phá, gây chuyện hiếu kỳ. Vì thế, ông suy luận có khả năng khi xưa núi vừa trồi lên là lớp đá non rồi có người bước lên đã để lại dấu hài. Sau đó núi mọc lớn lên nên dấu hài bị kéo giãn ra thành dấu chân khổng lồ.

Nói về những điều kỳ lạ của Thất Sơn, ông Lê Văn Hơn (64 tuổi, ở ấp Ba Xoài, xã An Cư, H.Tịnh Biên) bổ sung chuyện lạ: cối đá khổng lồ nằm trên đồng ruộng. Đấy là cối đá nằm vùi dưới đất ruộng, do bị nhiều tác động đã trồi lên. Ông Hơn lại ôm thử cối đá nhưng vòng tay không giáp. Ông ước lượng cối đá nặng cả tấn, được làm bằng đá tốt. Ông Hơn nói: “Ai cũng ngạc nhiên, không biết cối đá to như vầy để xay cái gì? Sức người chắc chắn không thể nào xay được cối đá này”.

Còn gần núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn) có cặp bia cổ ngàn năm nằm ở chùa Phật Bốn Tay, đến nay dòng chữ trên đó vẫn chưa được giải mã. Những người già cho biết do trúng bom đạn nên một trong hai tấm văn bia có vài chỗ bị bể. Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Trưởng ban Quản lý khu di tích Óc Eo - Ba Thê, xác định hai bia đá trên thuộc văn hóa cổ Phù Nam, mỗi tấm bia làm bằng đá gan gà có chiều cao 1,8 m và dày khoảng 20 cm, bề ngang chừng 80 cm. Ông Láng nói: “Các tỉnh thành khác khai quật được bia cổ của nền văn hóa Phù Nam thì các nhà khảo cổ đều dịch được hết dòng chữ ghi trên bia đá đó. Còn hai văn bia này tới nay các nhà khảo cổ trong nước vẫn chưa giải mã được chữ viết. Chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia thông thạo chữ cổ, chữ Phạn ở Ấn Độ và các nước khác tới giúp giải mã. Họ đã sao chép lại đem về nước nhưng đến nay vẫn chưa dịch được dòng chữ trên văn bia là gì”.

Hồ “Thạch Sanh”

Khách du lịch đến tham quan các núi đá trên Thất Sơn đều tranh thủ lấy nước trong các “giếng tiên” rửa mặt hay uống một ngụm để cầu khấn sự an lành.


Hồ Cây Đuốc, nước không bao giờ cạn - Ảnh: T.D 

Các “giếng tiên” đều nằm trên đỉnh núi, miệng giếng rộng từ 0,5 - 1 m; ăn sâu xuống lòng núi thì miệng giếng nhỏ dần. Ông Nguyễn Sơn Đào (ngụ núi Két) kể: “Ngày xưa, vào mùa khô hạn, nguồn nước trên các núi Thất Sơn khan hiếm nên nước trong giếng tiên rất quý đối với người dân. Kỳ lạ lắm, nhìn nước trong giếng rất ít nhưng vừa múc hết nước thì không lâu sau nước lại trào lên. Vì vậy người dân trên núi gọi là giếng tiên hay giếng trời sanh”.

Không thể thống kê hết trên Thất Sơn có bao nhiêu “giếng tiên” nhưng ngày xưa, lúc chưa có nước máy xài, người và thú ở trên núi phải tranh nhau trong mùa khô hạn. Tùy theo mùa, tùy theo ngọn núi mà nước giếng trong hay đục.

Chúng tôi đi sâu trong cánh đồng xã An Cư, H.Tịnh Biên và bất ngờ thấy một hồ nước nằm trơ trọi giữa cánh đồng lộng gió. Bà Lê Thị Lệ, người được Xí nghiệp điện - nước Tịnh Biên thuê giữ hồ, kể: “Hồ này tên là hồ Cây Đuốc, còn gọi là hồ Thạch Sanh vì nước trong hồ xài hoài không hết, dù mỗi ngày cấp cho mấy ngàn hộ ở xã này”.

Bà Lệ giữ hồ đề phòng, không cho trâu bò, thú rừng hay trẻ nít đến phá vì đây là nguồn nước sinh hoạt cho người dân nấu nướng, tắm rửa. Theo bà Lệ, điều kỳ lạ là nước trong hồ trong xanh và sạch quanh năm. Vào mùa khô hạn dữ dội, người dân sử dụng nước nhiều thì nước hồ chỉ giựt xuống nhưng vài giờ sau lại đầy trở lại. Bà Lệ nói người ta thiết kế 2 đường ống xả cấp nước, chỉ cần mở khóa tay là nước theo đường ống chảy vào nhà dân. Nước hồ sạch nên người dân không cần xài các hóa chất lọc lại nước.

Về nguyên cớ phát hiện hồ này cũng hết sức tình cờ. Năm 1980, có nhóm trẻ chăn trâu vô tình phát hiện vũng nước bùn nên cho trâu tới nằm. Lúc đó, để có nước xài người dân phải túc trực đi vét từng giọt nước ở các giếng. Nên khi nghe lũ trẻ mách lại, một số người đã âm thầm tới, lấy nước đem bán. Sau đó, dân trong vùng phát hiện, không mua nữa mà kéo đến lấy nước. Nhưng lạ làm sao, cái vũng nước rất nhỏ càng múc nước càng trào lên. Người ta lấy làm lạ, suy đoán vũng nước này là mạch nước ngầm, nối với các sông lớn.

Chuyện hồ nước không cạn được loan nhanh, lúc này ngành chức năng H.Tịnh Biên hay tin đã cho người xuống khảo sát mẫu nước, xem đó là nước sạch hay ô nhiễm để khuyến cáo người dân sử dụng. Huyện đã mời các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ đến khảo sát mẫu nước và quan trắc lòng đất. Sau khi có kết quả, xác định đây là nước sạch với trữ lượng khổng lồ, ngành chức năng đã nạo vét vũng bùn, xây lại thành hồ rồi thiết kế đường ống kéo nước sạch đến nhà dân...

Thanh Dũng

>> Tranh đá Thất Sơn
>> Kiểm tra tổng thể các núi đá ở Thất Sơn
>> Những hang động Thất Sơn huyền bí: Doanh trại tướng cướp Đơn Hùng Tín
>> Lên đỉnh Thất Sơn
>> Điểm hẹn Thất Sơn
>> Lão “hiệp sĩ” Thất Sơn
>> Huyền thoại thầy rắn Thất Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.