Cuộc trả thù điên rồ

22/09/2010 10:15 GMT+7

Lập kế hoạch tấn công nước Mỹ bằng máy bay ném bom đường dài và tên lửa vào năm 1942, Hitler muốn trả thù việc máy bay Mỹ ném bom các thành phố Đức

Mặc dù chiến dịch Pastorius thất bại đắng cay, Hitler vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng nhấn chìm New York, đầu não kinh tế của Mỹ, trong biển lửa. Albert Speer từng kể trong cuốn Nhật ký Spandau của mình rằng Hitler rất thích xem phim London trong biển lửa hay Biển lửa Warsaw. Ông ta coi đi coi lại mấy bộ phim này rất nhiều lần không biết chán. Hitler cũng muốn thấy cảnh New York điêu tàn như thế.

Đó là tâm lý bệnh hoạn của Adolf Hitler lúc chiến tranh thế giới do ông phát động sắp tàn cuộc. Thật ra, ý tưởng tấn công Mỹ có trong đầu Hitler và đầu não bộ máy chính quyền Đức quốc xã từ lúc nào ?
 
Xác định mục tiêu từ năm 1920
 
Theo Gerhard L. Weinberg, giáo sư danh dự về sử học tại Trường Đại học Bắc Carolina (Mỹ), tác giả quyển Thế giới vũ trang: Toàn sử thế chiến thứ hai (xuất bản năm 1994), từ mùa hè năm 1920, Adolf Hitler và phong trào quốc xã ở Đức, đã xác định rằng tăng cường công tác chuẩn bị tấn công Mỹ là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của phong trào.
 
Chiến lược nói trên xuất phát từ tham vọng bành trướng không giới hạn biên giới nước Đức trên toàn cầu. Hơn nữa, Hitler cho rằng Mỹ - một nước đông dân và rộng lớn, tiềm lực kinh tế mạnh – là một thách thức lớn đối với tham vọng thống trị toàn cầu của y. Chiến tranh với Mỹ là điều không tránh khỏi trong tương lai dưới thời Hitler và sau đó.
  
Một cuộc chiến như vậy do Đức khởi xướng sẽ gặp một số khó khăn như nước Mỹ ở tận bên kia Đại Tây Dương và hạm đội Mỹ rất mạnh không dễ qua mặt. Để vượt qua hai trở ngại này, Hitler đã tập trung xây dựng một hạm đội hùng mạnh và yêu cầu thiết kế một loại máy bay ném bom đường dài có thể bay tới New York rồi bay về mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Hitler đặt tên cho loại máy bay này là “Máy bay oanh tạc nước Mỹ”.
 
Ngoài ra, Hitler xây dựng ồ ạt những căn cứ không quân và hải quân dọc bờ Đại Tây Dương để dễ bề tấn công Mỹ. Tháng 4-1941, Hitler còn bí mật cam kết với Nhật Bản rằng Đức sẽ sát cánh với quân đội Nhật hoàng khi nước này tuyên chiến với Mỹ.
 
 Đó là về mặt chiến lược. Thực tế, trên tuần báo Đức Der Spiegel, nhà báo Eike Frenzel cho biết Hitler và các tay tham mưu của y đã biểu lộ ý đồ đánh Mỹ từ năm 1937.
 
Năm đó, đến thăm hãng máy bay Messerschmitt ở phía Nam thành phố Augsburg, Hitler rất thích thú với nguyên mẫu chiếc máy bay ném bom đường dài khổng lồ mang tên Messerschmitt Me 264 có khả năng vượt Đại Tây Dương từ bờ Đông châu u đến Mỹ.
 
Me 264, vũ khí trong mơ
 
Theo trình bày của Villy Messerschmitt, ông chủ hãng máy bay cùng tên, chiếc Me 264 được trang bị 4 động cơ chong chóng, có thể bay xa 19.884 km và chở được gần 5 tấn bom.
 
Xem mô hình chiếc máy bay đó, Hitler mơ tưởng đến ngày sản xuất được “máy bay oanh tạc nước Mỹ” có sức chứa bom lớn để san bằng thành bình địa New York và các thành phố Mỹ khác.
 
Điều mà Hitler không biết là chiếc máy bay ném bom thần kỳ nói trên chỉ là một mô hình, không thể bay. Nhà thiết kế Villy Messerschmitt đạo diễn cuộc trưng bày để làm Hitler chú ý và thích thú. Ý đồ của ông chủ hãng Messerschmitt không có gì khó hiểu: Hy vọng ký được một hợp đồng béo bở, lợi nhuận cao. Sự thật là vào thời điểm đó, không ai biết chắc chiếc máy bay đó có sẵn sàng hoạt động hay không.
 
Đầu năm 1938, trong bài diễn văn đọc trước các nhà sản xuất máy bay Đức, Hermann Goring - tư lệnh không quân Đức quốc xã – tuyên bố nước Đức đang thiếu phương tiện để đánh Mỹ. Goring thừa nhận: “Tôi đang thiếu máy bay ném bom chở được 5 tấn bom có thể bay đến New York. Tôi rất hạnh phúc nếu có được loại máy bay như thế để khóa mõm những kẻ ngạo mạn bên kia Đại Tây Dương”. 

 
Nguyên mẫu máy bay ném bom Messerschmitt Me 264. Ảnh: ww2aircarft.net

Về mặt lý thuyết, tài phá hoại của các kỹ sư Đức không có biên giới. Họ đã từng phát triển ý tưởng thiết kế một chiếc tàu ngầm kéo theo thùng container chứa tên lửa V-2 đến phía Đông duyên hải nước Mỹ. Một khi vào vị trí thuận lợi, thùng container sẽ được bơm nước vào để trở thành bệ phóng tên lửa lý tưởng.
 
Các kỹ sư Đức cũng từng phát triển ý tưởng đóng tàu sân bay chở phi công cảm tử kiểu Kamikaze của Nhật đánh bom New York và các vùng phụ cận, thực hiện giấc mơ hỏa thiêu trung tâm kinh tế nước Mỹ của Hitler.
 
Thực tế phũ phàng
 
Tham vọng thì lớn nhưng nhiều lý do khách quan không cho phép Hitler thực hiện được ước mơ táo bạo của mình. Công nghệ quân sự của Đức chủ yếu dựa vào đội ngũ lao động kỹ thuật cưỡng bức làm việc trong các nhà máy bí mật và cơ sở sản xuất nằm sâu dưới lòng đất, tránh tai mắt gián điệp và máy bay quân đồng minh. Thiếu ăn, bị đối xử như nô lệ, hàng ngàn lao động nói trên chết dần chết mòn. Hậu quả là tiến độ sản xuất vũ khí không đạt yêu cầu bởi thiếu hụt nhân công lành nghề.
 
Lý do thứ hai là thiếu nguyên liệu và nhất là không đủ thời gian bởi cuộc chiến bành trướng nước Đức ngày càng gặp nhiều khó khăn.
 
Chiến dịch quân sự Pastorius khởi động cuộc chiến chống Mỹ cho thấy sự chuẩn bị của Đức quốc xã quá vội vã và về mặt nào đó là hết sức ngây thơ cho nên dễ dàng thất bại.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.