Robot thăm dò lòng biển

24/04/2010 16:04 GMT+7

Hàn Quốc đang trong quá trình chế tạo một loại robot linh hoạt có thể bơi và bò dưới lòng biển ở độ sâu 6.000 mét.

Bộ Đất đai - Giao thông vận tải - Hàng hải Hàn Quốc vừa tuyên bố chính phủ nước này sẽ dành 18 triệu USD chế tạo robot nói trên trong 5 năm tới. Thảm họa chìm tàu tuần tra Cheonan tại biển Hoàng Hải mới đây chính là động lực khiến người Hàn Quốc quyết tâm đẩy mạnh nỗ lực này.

Với những cái chân đa khớp, robot có thể bò với tốc độ khoảng 30 mét/giây và bơi với tốc độ 18 mét/giây. Nó cũng sẽ được gắn thiết bị có khả năng định vị vật thể dưới nước bằng sóng âm. Một phiên bản robot cho vùng biển nông dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012, được sử dụng cho một loạt hoạt động như theo dõi các điều kiện môi trường biển, thăm dò và trục vớt tàu chìm.

Phiên bản cho vùng biển ở độ sâu đến 6.000 mét dự kiến sẽ ra đời vào năm 2015. Khi đó, nó sẽ được sử dụng để thăm dò núi lửa dưới biển, miệng thủy nhiệt và các cấu tạo dưới nước mà thiết bị hiện tại khó có thể tiến hành thăm dò. Theo kế hoạch của Bộ Đất đai - Giao thông vận tải - Hàng hải Hàn Quốc, một khi đã chế tạo xong các nguyên bản robot, họ sẽ thương mại hóa bằng cách chia sẻ công nghệ cho các công ty tư nhân. Ước tính thị trường nội địa cho những loại robot này trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng 135 triệu USD, bao gồm cả bảo trì và vận hành.

Nhiều nước khác trên thế giới đã chế tạo và triển khai các loại robot dưới nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cuối năm ngoái, RU27 - chiếc tàu lượn robot dưới nước do Viện Khoa học hàng hải và duyên hải thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) chế tạo - đã thực hiện một "chuyến bay" ngang Đại Tây Dương. Cũng trong thời gian đó, một robot có tên gọi Wally do các chuyên gia Canada chế tạo đã trở thành đài quan sát dưới nước có kết nối internet đầu tiên trên thế giới.

 
Robot RU27 - Ảnh: Đại học Rutgers

 
Robot Wally - Ảnh: NEPTUNE

Khang Huy
(Theo Korea Times)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.