Nhiều tranh luận về giáo dục, ít nghiên cứu khoa học nghiêm túc

Quý Hiên
Quý Hiên
27/10/2023 18:09 GMT+7

Giáo dục là một chủ đề nhận được nhiều bình luận của dư luận xã hội, tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục bấy lâu nay còn nhiều hạn chế.

Hôm nay 27.10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức Diễn đàn Hà Nội về khoa học giáo dục và sư phạm năm 2023 (HaFPES 2023).

"Ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống như bình luận về bóng đá"

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, từ góc nhìn của dư luận xã hội thì các chủ đề giáo dục là chủ đề "dễ nói". Trong những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng có những tranh luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Những tranh luận này nhiều khi không có hồi kết, thậm chí còn tạo thành những xung đột trên mạng xã hội, trong nhiều gia đình, xung đột liên thế hệ cũng như xung đột quan điểm vợ và chồng về cùng một vấn đề giáo dục.

Nhiều tranh luận về giáo dục, nhưng còn ít những nghiên cứu khoa học nghiêm túc - Ảnh 1.

GS Nguyễn Quý Thanh tại Diễn đàn Hà Nội về khoa học giáo dục và sư phạm năm 2023

NHÂN NGUYỄN

Theo lý giải của GS Thanh, sở dĩ những tranh luận này thường không đi đến thống nhất vì nhiều người tham gia chỉ đưa ra những đánh giá, nhận định dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình về giáo dục hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và các thành tựu của nó. 

Hiện trạng này phổ biến đến mức nhiều người nói vui "ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống như bình luận về bóng đá" vì ai cũng từng xem, hoặc từng đá bóng và nó có vẻ dễ hiểu.

Trong khi đó, để có được những kết luận đúng, khoa học thì những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn - một khái niệm rất quan trọng của truyền thông khoa học, hay nói cách khác phải được dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc.

Việc phản biện chính sách với tư cách người dân chịu tác động cần phải tách bạch với phản biện của người có thẩm quyền và năng lực chuyên môn. HaFPES mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn như vậy.

Mở rộng phạm vi nghiên cứu

GS Thanh nhận định, khoa học giáo dục là khoa học liên ngành, liên lĩnh vực như triết học, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, khoa học quản lý...; thậm chí, cả những lĩnh vực của khoa học tự nhiên như sinh lý học thần kinh cấp cao, sinh lý học hệ thống giác quan hay trong lĩnh vực công nghệ như công nghệ thông tin.

Giáo dục không chỉ giới hạn ở việc dạy và học trong nhà trường. Nó còn được xem xét như một thiết chế, một hoạt động của xã hội diễn ra trong và ngoài nhà trường, trực tiếp và gián tiếp, chính quy và liên tục.

Nhiều tranh luận về giáo dục, nhưng còn ít những nghiên cứu khoa học nghiêm túc - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Hà Nội về khoa học giáo dục và sư phạm năm 2023

NHÂN NGUYỄN

Còn sư phạm học hay khoa học sư phạm là khoa học về phương pháp và thực hành giảng dạy trẻ em đạt được tấm gương như nhà giáo. Bấy lâu nay, ở Việt Nam có sự tiếp cận về giáo dục học theo nội hàm hẹp (đồng nhất giáo dục học với sư phạm học) khiến cho phạm vi các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về khoa học giáo dục bị hạn chế.

Điều này dẫn đến hệ quả là thiếu vắng nhiều nghiên cứu cơ bản về giáo dục tiếp cận từ các khoa học khác, nhất là từ góc độ sinh lý học thần kinh. Kể cả trong lĩnh vực gần nhất là tâm lý học thì các trường đào tạo giáo viên chủ yếu nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực như tâm lý học sư phạm, tâm lý học giáo dục, giáo dục đặc biệt. Còn những lĩnh vực khác để hiểu sâu hơn quá trình giáo dục như tâm lý học phát triển, tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học thần kinh, tâm lý học tư duy và sáng tạo, tâm trắc học cũng chưa được chú trọng nghiên cứu.

Khoa học cần bằng chứng

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Việt Nam tuy đã có từ lâu, nhưng việc đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu đó trong tình hình hiện nay có nhiều hạn chế.

Những năm qua, Bộ GD-ĐT nhận thấy tầm quan trọng của khoa học giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng của khoa học giáo dục tới chính sách liên quan đến giáo dục, nên đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về giáo dục.

Nhiều tranh luận về giáo dục, nhưng còn ít những nghiên cứu khoa học nghiêm túc - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, gần đây, Bộ GD-ĐT có nhiều động thái thúc đẩy nghiên cứu về khoa học giáo dục

NHÂN NGUYỄN

Hiện nay, Bộ GD-ĐT chủ trì một chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục, với 49 đề tài cấp quốc gia. Trong đó, có 34 đề tài tập trung vào giải quyết các vấn đề phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách đổi mới GD-ĐT, nhằm góp phần đổi mới cơ bản khoa học giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, lấy nghiên cứu dựa trên minh chứng làm nền tảng, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và tiệm cận với trình độ khoa học giáo dục thế giới.

Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình GD-ĐT; quản lý giáo dục; triết lý giáo dục, xây dựng và ban hành hệ tiêu chí, chỉ số thống kê, cơ sở dữ liệu về GD-ĐT.

"Như GS Nguyễn Quý Thanh đã nhấn mạnh, chúng ta rất cần nghiên cứu một cách bài bản, có hệ thống về giáo dục. Trong nghiên cứu, tính khoa học, bằng chứng khoa học là vô cùng quan trọng", ông Phúc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.