Khốn khó tuyển lao động

29/04/2010 10:10 GMT+7

Bước sang quý II/2010 nhưng nhiều DN vẫn thiếu LĐ trầm trọng. Trong khi đó, NLĐ vẫn đôn đáo đi tìm một việc làm có mức thu nhập ổn định.

Bắt bệnh cho nghịch lý ở nước ta là: Mức thu nhập của NLĐ ngày càng "bèo" so với giá cả thị trường tăng.

LĐPT đi đâu?

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã qua khoảng 10 phiên giao dịch GTVL nhằm tạo thuận lợi, minh bạch cho cung- cầu LĐ. Nhưng trong khi một số đơn vị “bội thu”  đơn xin việc của những ứng viên có trình độ ĐH, CĐ thì nhiều DN vẫn tiếp tục chạy đua tìm LĐPT.

Khảo sát của Trung tâm GTVL Hà Nội, mỗi phiên giao dịch việc làm có khoảng 3.000 NLĐ tham gia, trong đó có tỉ lệ khá cao là LĐPT, nhưng, trung tâm chỉ tuyển được 4% LĐPT so với đặt hàng của các DN. Đơn cử tại phiên giao dịch ngày 10.3, có 90 DN tham gia, tuyển 3.500 LĐ nhưng các DN chỉ tuyển được có 312 LĐ có nghề và 78 LĐPT.

Thiếu LĐ lấp đủ dây chuyền sản xuất không còn là chuyện của phòng nhân sự mà là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của lãnh đạo nhiều DN trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất. Phụ trách nhân sự Cty Doji cho biết: Phiên giao dịch việc làm nào của Sàn Hà Nội chúng tôi cũng có mặt (dù chỉ là tìm nguồn LĐ để đào tạo và bổ sung các vị trí) nhưng chưa bao giờ tìm được đủ số lượng hồ sơ cần chứ chưa nói đến là phỏng vấn kiểm tra tay nghề.

Tại một số tỉnh, thành khác, Ban quản lý các KCN-KCX đã dự báo số LĐ các DN cần trong năm nay lên tới vài trăm nghìn người bởi tính sơ sơ ngoài khoảng 200 KCN đang hoạt động, còn có khoảng 110 KCN trên địa bàn cả nước đang hoàn thiện và mời gọi các nhà đầu tư.

Lương, chế độ cần thoả đáng hơn

Phó GĐ Trung tâm GTVL Hà Nội Vũ Thị Thanh nhận định: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu LĐPT tại Hà Nội cũng như trên địa bàn cả nước trong giai đoạn này, nhưng mức thu nhập hiện tại ngày càng thấp so với giá cả được coi là mấu chốt dẫn đến thiếu trầm trọng LĐPT và LĐ có nghề hiện nay.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, lương tối thiểu hiện đang áp dụng chi trả cho LĐVN hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60- 65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Mức lương này không thể đảm bảo cho NLĐ bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất.

Trong khi đó, phần lớn DN lại lấy mức lương tối thiểu mà Nhà nước ban hành để làm gốc tham chiếu trả lương cho NLĐ mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Vì vậy, với những DN được coi là có mức lương cao, thì nay, với đà tăng giá chóng mặt trên thị trường, thu nhập của NLĐ chỉ còn ở mức trung bình. Tình hình này, theo bà Thanh, các DN cần tính toán để có chế độ tiền lương thỏa đáng cho NLĐ và những ưu đãi phù hợp mức sống.

Phải coi đây là sự đầu tư nhằm gắn kết lâu dài NLĐ với DN, khi đó mới giải quyết được việc thiếu LĐ trong các DN. Đồng thời, nhà nước cũng cần có sự vào cuộc tháo gỡ những bất cập về vấn đề chính sách nhà ở, điều kiện văn hoá- xã hội cho NLĐ nhập cư tại các KCN- KCX hiện nay.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.