Vì sao vắng thơ và tác giả trẻ?

15/09/2009 00:09 GMT+7

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội hằng năm đã thu hút được sự quan tâm của giới cầm bút và những người yêu văn chương cả nước.

Trao đổi với Thanh Niên về 3 tác phẩm được trao giải năm 2009, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - Phạm Xuân Nguyên (ảnh) cho biết:

- Theo đánh giá của Hội, tiểu thuyết Một mình một ngựa tiếp tục mạch đề tài về miền núi Tây Bắc là thế mạnh của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác phẩm không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng. Nhưng điều được ghi nhận ở đây là sự vững vàng về tay nghề tiểu thuyết, cả trong kỹ thuật và nghệ thuật, và những vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh. Tác phẩm cũng chứng tỏ sức bền của cây bút tiểu thuyết Ma Văn Kháng.

 
Trong khi tập tiểu luận phê bình Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy được hội đồng đánh giá cao ở việc sử dụng một cách kiên định và nhất quán phương pháp phê bình phân tâm học trong tiếp cận tác phẩm văn học. Những chân dung và phong cách hiện ra, đặc sắc và khá thấu đáo: từ cổ điển như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan đến hiện đại như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm... Thêm vào đó, Bút pháp của ham muốn là cuốn sách có văn, sinh động và hấp dẫn, điều hiếm thấy ở những tập tiểu luận và phê bình văn học.

10 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo:

Văn xuôi: Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng; Họ vẫn chưa về, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Hùng; Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập.
Thơ: Trà nguội của Đặng Thị Thanh Hương; Phố đồng thảo của Chu Hồng Tiến.
Lý luận - phê bình: Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy; Thơ - thi pháp và chân dung của Đặng Tiến.
Dịch văn học: Nhẫn thạch - tiểu thuyết của Atiq Rahimi, Pháp (Nguyên Ngọc dịch); Di sản của mất mát của Kiran Desai (Nham Hoa dịch); 11 phút của Paulo Coelho (Quý Vũ dịch).
Kết quả, ba tác phẩm đã nhận đủ số phiếu để được trao giải thưởng là: Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy (11/12 phiếu); Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng (9/12 phiếu); Nhẫn thạch, bản dịch của Nguyên Ngọc (9/12 phiếu).

Còn bản dịch Nhẫn thạch của nhà văn Nguyên Ngọc được đánh giá cao nhờ đã chuyển tải hiệu quả tư tưởng, nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm do nhà văn người Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi sáng tác. Những năm qua, nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch nhiều sách biên khảo của các nhà dân tộc học nước ngoài và những tập tiểu luận văn học có giá trị, và lần này Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho bản dịch Nhẫn thạch để ghi nhận đóng góp của ông trong lĩnh vực dịch văn học.

* Phải chăng, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội lần này có vẻ hơi “già”, và tại sao các tác giả trẻ hơn và có lối viết mới, hiện đại hơn như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thế Hùng... chưa được “góp mặt”?

- Đúng là giải thưởng lần này có vẻ hơi “già” thật! Nhưng chúng tôi cũng đã cân nhắc “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần trước khi bỏ phiếu, và giải thưởng lần này cũng là sự ghi nhận quá trình đóng góp của 3 nhà văn nói trên cho văn học đương đại. Có thể nói, với Ký ức vụn, nhà văn Nguyễn Quang Lập có lối viết rất mới, rất hiện đại và nhà văn trẻ Nguyễn Thế Hùng với tiểu thuyết Họ vẫn chưa về cũng cho thấy tiềm năng lâu dài của một cây bút văn xuôi. Hai tác phẩm này cũng đã gây tranh luận trong hội đồng nhưng vì số phiếu thấp hơn nên không đoạt giải.

* Giải thưởng dành cho thơ được để trống, các tác giả thơ không được trao giải, phải chăng vì mặt bằng thơ của năm 2009 không cao bằng các năm trước?

-  Hằng năm, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đều xét trao cho 4 thể loại: thơ, văn xuôi, phê bình, văn học dịch; và chỉ trao cho những tác phẩm được cho là xứng đáng, nếu không chọn được thì bỏ trống. Những năm trước, giải của Hội cũng đã có một số lần để trống giải thưởng ở các thể loại văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dịch, nên năm nay để trống thơ cũng không có gì là đặc biệt. Đây là việc làm bình thường của Hội nhằm nâng cao chất lượng sáng tác.

Nguyễn Việt Chiến (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.