Mỏi mòn chờ nước máy

03/07/2009 23:36 GMT+7

Trong năm nay, nhiều khu vực chưa có nước máy ở TP.HCM sẽ khó có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch, do các doanh nghiệp (DN) cấp nước đã không còn vốn để đầu tư lắp đặt mạng lưới đường ống.

Ở Sài Gòn mà không biết... nước máy

Địa bàn 2 quận Tân Phú và Tân Bình là những nơi có áp lực nước rất mạnh, do nằm ở đầu nguồn của Nhà máy cấp nước Tân Hiệp. Thế nhưng nhiều người dân ở đây - dù mang tiếng là dân Sài Gòn - lại chưa biết nước máy là gì. Điển hình là các hộ dân ở đường Nguyễn Sơn, nơi có nhiều cửa hiệu buôn bán sầm uất bậc nhất của Q.Tân Phú, vẫn chưa có đường ống cấp nước. Người dân cho biết, cho đến nay nước ngầm vẫn là nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Nhiều gia đình lo lắng chất lượng nước ngầm không đảm bảo nên chỉ dùng để tắm giặt, còn nước để ăn uống thì phải mua từng bình về sử dụng. Mỏi mòn chờ đợi, nhưng cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch của người dân trong năm nay thật mong manh, bởi theo ông Lai Văn Đang, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa, do nguồn kinh phí phát triển mạng lưới cấp nước năm nay rất khó khăn, nên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang xem xét lại, chỉ những dự án nào thực sự cần thiết thì mới được đầu tư.

Một nơi khác cũng có áp lực nước rất mạnh, nhờ vừa có nguồn nước mới bổ sung từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức (đã phát trước 100.000m3 trên tổng công suất 300.000m3/ngày) là Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, nhưng việc phát triển mạng lưới cấp nước, nhất là gắn mới đồng hồ nước (ĐHN) cho dân cũng thật khó khăn. Như ở P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức), có một khu vực cho tới nay vẫn phải cấp nước hằng ngày bằng xe bồn do chưa có đường ống cấp nước. Ông Nguyễn Xuân Cầu, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển mạng lưới đường ống cấp 3 cho khu vực này, nhưng đường ống cấp 2 chưa có (theo phân cấp, Sawaco đầu tư lắp đặt đường ống cấp 1 và 2, các công ty cổ phần lắp đặt đường ống cấp 3, ống ngánh, ĐHN cho khách hàng). Năm nay khó khăn về vốn, nên cho dù trên tổng công ty có đầu tư đường ống cấp 2 đi nữa, thì các công ty cổ phần cũng không thể làm gì được, bởi từ đầu năm 2009 tới giờ không vay được vốn". Theo ông Nguyễn Xuân Cầu, các ngân hàng không cho thế chấp mạng lưới đường ống để vay và cũng không đồng ý cho vay trực tiếp mà yêu cầu các công ty cổ phần cấp nước phải có bảo lãnh của Sawaco.

Sawaco hiện đang cung cấp hơn 1,2 triệu m3 nước mỗi ngày cho khoảng 700.000 khách hàng ở TP.HCM. Tuy vậy, chỉ mới có 81,57% số hộ dân thường trú và KT3 (chưa kể 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn) được cung cấp nước, số còn lại, người dân phải tự khai thác nước ngầm hoặc mua nước với giá cao để sử dụng.

Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn cũng không khá gì hơn, khi kế hoạch phát triển và cải tạo mạng lưới đường ống cấp 3 trên địa bàn các quận 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh năm 2009 đang nằm im trên giấy. Ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc công ty cho biết, năm 2009 Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn cần đến 90 tỉ đồng, trong đó 70 tỉ đồng cho phát triển mạng lưới mới và 20 tỉ đồng để cải tạo đường ống cũ, nhưng không có vốn để làm. Ông Đức cho biết, công ty có ý định vay vốn ngân sách của Q.Bình Tân, nhưng ngân sách quận không thể cho doanh nghiệp vay vốn được. Nếu vay từ Quỹ Đầu tư và Phát triển đô thị TP.HCM thì phải có 30% vốn đối ứng - công ty không đáp ứng được; thời hạn trả vốn vay tối đa 7 năm - cũng không đủ để thu hồi vốn. Còn nếu vay vốn ngân hàng thì đòi hỏi phải có tài sản thế chấp.

Mượn tiền của khách hàng

Việc đầu tư gắn ĐHN cho người dân cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Lai Văn Đang cho biết, kế hoạch lắp đặt 8.000 ĐHN mới cho khách hàng trong năm nay trên địa bàn Q.Tân Bình và Q.Tân Phú đến giờ cũng chưa làm được bao nhiêu do thiếu vốn. Còn ông Phạm Mạnh Đức thì than: Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn còn "treo" 8 tỉ đồng chi phí gắn ĐHN cho khách hàng từ năm 2007 cho tới giờ vẫn chưa thể hạch toán được. Kế hoạch lắp đặt 12.000 ĐHN trong năm 2009, đến nay đã thực hiện được khoảng 8.000 ĐHN, theo ông Đức là nhờ được khách hàng ứng tiền để làm. Đây là hình thức mượn tiền của khách hàng và trả dần trong 10 năm (mỗi năm trả 1/10 khoản vốn đã mượn). Cách làm của Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn là khi người dân có nhu cầu lắp đặt ĐHN, phía công ty sẽ lên dự toán, người dân đồng ý thì lập hợp đồng ứng tiền và công ty sẽ triển khai thi công.

Từ khi Nghị định 117 của Chính phủ có hiệu lực thi hành (năm 2007) đến nay, việc gắn ĐHN cho khách hàng được miễn phí, nghĩa là các công ty cổ phần cấp nước phải bỏ ra các khoản chi phí lắp đặt ống ngánh, ĐHN, chi phí đào đường và tái lập mặt đường... Ông Nguyễn Xuân Cầu cho biết, tính từ tháng 8.2007 tới nay, Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức đã mắc nợ Sawaco gần 20 tỉ đồng cho khoản chi phí này. Theo kế hoạch năm 2009, công ty gắn 10.000 ĐHN cho khách hàng, nhưng 6 tháng đầu năm, "gồng" lắm mới gắn được 4.000 ĐHN. "Từ nay đến cuối năm chúng tôi phải tiếp tục gồng mình để gắn ĐHN miễn phí cho khách hàng ở những nơi có mạng lưới đường ống cấp 3" - ông Nguyễn Xuân Cầu thở than.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.