Huyền bí những câu chuyện kể 'Nghìn lẻ một đêm' trong diện mạo mới

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
10/12/2021 06:30 GMT+7

NXB Văn học và Đông A vừa giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Nghìn lẻ một đêm trong diện mạo hoàn toàn mới.

Tác phẩm là tập hợp những truyện kể có nguồn gốc từ những chuyện dân gian kỳ ảo của Ả Rập, Ba Tư, Hy Lạp… được lưu truyền rộng rãi khắp xứ Ả Rập trong nhiều thế kỷ trước khi được ghi lại thành văn.

Vào năm 1704, nhà Đông phương học kiêm dịch giả nổi tiếng người Pháp Antoine Galland xuất bản phần đầu dịch phẩm Les mille et une nuits (Nghìn lẻ một đêm), dựa trên quyển sách Ba Tư cổ Hazār Afsān (Một ngàn truyện), dịch trực tiếp từ ngôn ngữ Ả Rập ra tiếng Pháp. Nhờ có bản dịch của Galland mà độc giả phương Tây biết đến, sau đó lan tỏa ra khắp thế giới niềm say mê với nàng Scheherazade cùng những câu chuyện kể huyền bí.

Bìa sách Nghìn lẻ một đêm

Tại Việt Nam, dù có một số bản dịch Nghìn lẻ một đêm, nhưng phổ biến và được yêu thích hơn cả vẫn là bản dịch của nhà báo - nhà văn Phan Quang (từ nguyên bản tiếng Pháp của Antoine Galland). Câu chuyện trải dài từ Đông sang Tây, nhiều chủ đề và nhân vật đa dạng, tình tiết bất ngờ, ngôn ngữ phong phú, nghệ thuật kể chuyện tài tình với kết cấu “truyện lồng trong truyện”, mở ra vô vàn tình tiết hấp dẫn. Nghìn lẻ một đêm còn xây dựng một thế giới thấm đẫm màu sắc Hồi giáo và bao quát đời sống của người dân Ả Rập, từ thực tại cũng như trong cảnh thần tiên ma quái.

Antoine Galland là người đầu tiên tổng hợp và dịch Nghìn lẻ một đêm. Sau khi học tiếng Hy Lạp và Latin, Galland trở thành thư ký riêng của sứ thần Pháp tại Constantinople, sau đó làm người sưu tầm đồ cổ cho vua Louis XIV. Nhờ vậy, Galland chu du khắp Tây Á, học thêm tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Ả Rập và nghiên cứu văn hóa, phong tục, tôn giáo của dân bản địa, thực hiện nhiều công trình khảo cứu và dịch thuật giá trị, như: bản dịch kinh Qur’an của đạo Hồi, tập truyện cổ Ấn Độ, truyện về các hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ và nổi tiếng nhất là bộ Nghìn lẻ một đêm. Năm 1709, ông giữ chức Chủ nhiệm Khoa Ả Rập học tại Collège de France cho đến khi qua đời.

Bản Nghìn lẻ một đêm được Galland bổ sung một số câu chuyện vốn không xuất hiện trong bản thảo Hazār Afsān, mà được sưu tầm riêng từ người bạn Hannah Diab, đó là những câu chuyện nổi tiếng mà ngày nay cả trẻ em lẫn người lớn khắp nơi đều thuộc, như chuyện Alladin và cây đèn thần, hay Alibaba với câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra” luôn trong tiềm thức tuổi thơ. Mặc dù sau này có một số bản dịch khác được cho là đầy đủ hơn, nhưng chưa có bản dịch nào được yêu thích và giữ vị trí quan trọng như bản của Galland.

Trong lần tái bản này, Đông A giữ lại đầy đủ và trọn vẹn tất cả những truyện mà dịch giả Phan Quang chuyển ngữ, dựa vào bản in của Antoine Galland do NXB Anh em Garnier (Librairie Garnier Frères) phát hành năm 1921. Sách cũng giữ lại và trình bày theo đúng nguyên tác toàn bộ tranh vẽ minh họa trong bản in, đồng thời bổ sung một số minh họa từ ấn bản tiếng Đức do nhà Verlag von Emil Strauß phát hành năm 1897. Được biết, dịch giả Phan Quang là nhà báo, nhà văn hóa đã có nhiều đóng góp cho nền báo chí Việt Nam và từng giữ nhiều vị trí quan trọng. Vừa dịch sách, ông còn có những trải nghiệm rất thành công ở các “mảng miếng” khác: phóng sự, tiểu luận, truyện ngắn và bút ký.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.