Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 12: Bình thản và lạc quan

26/06/2013 01:14 GMT+7

Trong gần 13 năm tập luyện và thi đấu đỉnh cao, “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương từng gặp đủ loại chấn thương nhưng chị vẫn vượt qua bằng bản lĩnh và tinh thần “thép”.

Trong gần 13 năm tập luyện và thi đấu đỉnh cao, “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương từng gặp đủ loại chấn thương nhưng chị vẫn vượt qua bằng bản lĩnh và tinh thần “thép”.

ASIAD 2010, Vũ Thị Hương làm nức lòng giới hâm mộ thể thao nước nhà khi đoạt cùng lúc HCĐ cự ly 100 m và HCB cự ly 200 m. Đang lúc phong độ tốt, Hương lại bị chấn thương trong một chuyến tập huấn ở nước ngoài trước Olympic London 2012. Thời gian quá ngắn, không đủ cho chị bình phục và thi đấu ở đấu trường mơ ước của mọi vận động viên. Lỡ hẹn với nước Anh, Hương không buông xuôi mà nỗ lực tập luyện để hướng đến SEA Games 2013 tại Myanmar vào cuối năm nay.

Hương bén duyên với điền kinh năm 14 tuổi, 1 năm sau đã được gọi vào đội tuyển quốc gia. Chơi thể thao đỉnh cao hơn chục năm qua, thành tích, vinh quang thì nhiều, nhưng chấn thương cũng không ít: từ lưng, đầu gối, cổ chân, đến bàn chân, các nhóm cơ đùi sau - trước… Đáng ngạc nhiên là chị kể về chấn thương của mình với giọng rất bình thản, thậm chí còn lạc quan: “Hương may mắn hơn nhiều người là không lần nào bị nghiêm trọng đến mức phải phẫu thuật. Thật ra, đã chơi thể thao chuyên nghiệp thì phải chấp nhận nguy cơ chấn thương cực cao. Đặc biệt, đối với VĐV cự ly ngắn ở điền kinh thì nguy cơ còn cao hơn nữa. Vì bạn phải chinh phục và dần dần vượt qua được ngưỡng của mình nên luôn cần nỗ lực tối đa. Mà khi cơ thể thường xuyên phải “bung” hết sức như thế, nguy cơ “trục trặc kỹ thuật” là khó tránh khỏi”.

Ý thức được điều đó, Hương và HLV Nguyễn Đình Minh luôn thực hiện tối đa những biện pháp giúp hạn chế chấn thương. Chị cho biết: “Ngoài những điều cơ bản như khởi động thật kỹ, “gia cố” hệ cơ xương khớp chắc khỏe bằng những bài tập đặc thù, mình còn phải biết lắng nghe cơ thể. Hương từng nhiều lần bị chấn thương, nên khá nhạy, khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường thì trao đổi ngay với thầy. Mình rất cẩn thận mà còn bị chấn thương nhiều như thế”.

Thời gian quý như vàng

Có thể thấy, nhờ hiểu rõ những rủi ro trong nghề mình chọn nên Hương luôn đương đầu với chấn thương bằng thái độ tích cực. Đầu năm nay, Hương bị chấn thương nhóm cơ đùi sau, kèm với viêm gân chày sau, tương tự như lúc trước Olympic 2012 (nhưng ở 2 chân khác nhau). May là lần này còn cách SEA Games khá xa, bác sĩ bảo sau 2 tháng có thể bắt đầu tập luyện lại được. Với Hương, thời gian quý như vàng. Chị chỉ sợ thiếu thời gian để bình phục, tích lũy lượng vận động và đạt lại phong độ chứ tập luyện khó khăn cỡ nào Hương luôn tin mình có thể vượt qua. Như mọi khi, ngoài việc đến khám tại chuyên khoa, Hương còn được một bác sĩ thuộc Bệnh viện Y học thể thao ở Hà Nội tư vấn để có chế độ tập luyện thích hợp. Không để phí “thời gian quý như vàng”, trong giai đoạn bị chấn thương, chị kiên trì tập luyện những bài dành cho những phần “lành lặn”. Hiện việc bình phục của Hương đang diễn biến rất tốt và theo đà này, chị hoàn toàn có thể thi đấu với phong độ đỉnh cao tại SEA Games ở 2 cự ly sở trường là 100 và 200 m.

Chấn thương nhiều như vậy, động lực nào giúp Hương vượt qua và theo thể thao chuyên nghiệp trong thời gian dài đến thế? Nghe tôi hỏi, Hương trả lời không đắn đo: “Lòng đam mê. Khi mới đến với điền kinh, mình nghĩ chỉ chơi cho vui, nhưng không ngờ theo một thời gian là không dứt ra được. Những dịp bị chấn thương hay lễ tết phải nghỉ nhiều, Hương luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu vì nhớ đường chạy. Chưa tính đến chấn thương, phải mê mới theo được môn thể thao nổi tiếng là tập luyện nặng nề này. Hương có giáo án riêng nên thường xuyên phải tập một mình. Có những ngày trời nắng chang chang mà một thân một mình ngoài đường chạy, cũng ngán lắm. Nhưng nghĩ tới việc vượt lên thành tích cũ là lại có động lực. Như đợt trước khi bị chấn thương, Hương chạy 200 m đạt 23 giây 6, 23 giây 5, thông số tốt nhất từ trước tới nay. Khi được như thế, mình thấy vui vì những nỗ lực hằng ngày đã có kết quả tốt”.

Hương còn hy vọng “bắt chước” VĐV Khubbieva Guzel của Uzbekistan. VĐV này đoạt HCB tại ASIAD 2010 khi đã 34 tuổi (giải ấy Hương giành HCĐ). Chị cho biết thể lực hiện vẫn còn rất tốt và còn chơi đỉnh cao được thêm 3-4 năm nữa nếu không bị chấn thương quá nghiêm trọng. Ngay HLV Nguyễn Đình Minh cũng nhận định sự nghiệp thi đấu của Hương đang ở độ chín và vẫn còn có thể phát triển về thành tích. Với chế độ tập luyện bài bản và bản lĩnh vượt qua chấn thương, tin rằng “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương sẽ còn đóng góp được nhiều cho thành tích của thể thao nước nhà.

Vũ Thị Hương sinh năm 1986, thành tích nổi bật nhất là HCĐ cự ly 100 m và HCB cự ly 200 m tại ASIAD 2010. Ngoài ra, chị còn nhiều lần vô địch SEA Games, vô địch quốc gia ở 2 cự ly này.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Không bất ngờ với nữ hoàng tốc độ
>> Nữ hoàng tốc độ & những tin đồn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.