Nhà giáo thời công nghệ

18/11/2013 03:10 GMT+7

Sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho nhà giáo trong việc tìm hiểu và truyền đạt kiến thức đến người học, nhưng cũng tạo nên một diễn biến mới chưa bao giờ thấy trong mối quan hệ thầy trò.

Trang Facebook của các giáo viên
 Trang Facebook của các giáo viên

Trong thời buổi công nghệ, hầu như giáo viên nào cũng có tài khoản trên Facebook. Đó không chỉ là nơi để giáo viên chia sẻ kiến thức, truyền tải thông tin, hoạt động của học sinh đến phụ huynh mà còn chứa đựng nhiều điều khác cần gửi gắm.  

Nói được những chuyện... khó nói

Nhiều người thích thú theo dõi trên mạng những câu chuyện, những sẻ chia đầy tình yêu thương của cô Thanh Thuận, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM). Facebook “Tigôn Trắng” không đơn thuần là một trang cá nhân nữa mà như một nhật ký cảm xúc của lớp học do cô làm chủ nhiệm.

Với những việc khó nói bằng lời, cô Thuận sử dụng Facebook làm phương tiện. Như chuyện cô trăn trở để xin lỗi học trò về việc chấm điểm bài kiểm tra một tiết. Học sinh phản đối cách chấm điểm, thậm chí một bạn đứng lên chỉ trích. Cô đã dùng uy quyền của mình để bắt tất cả phải im lặng. Nhưng rồi cô hối hận. “Một học sinh lớp 8 dám phát biểu về nhận thức của mình, dám yêu cầu giáo viên sửa chữa sai lầm là một điều quá to tát, không phải dễ. Nhưng đó là chúng đang biết vận dụng bài học đạo đức vào tình huống thực tế một cách thẳng thắn và dũng cảm, bởi dũng cảm này dễ bị gán tội là “hỗn láo”, “được bằng chân lân bằng đầu”, thậm chí còn bị trách phạt là “không coi ai ra gì” , “vô lễ với giáo viên”…”. Cô Thuận đã viết những dòng như vậy trên Facebook. Cuối cùng, cô quyết định xin lỗi học trò vì “nếu giáo viên “không có trách nhiệm” về nhân cách của chính mình (dù nhỏ) thì không những không thể dạy người mà thậm chí cũng khó tiếp tục dạy chữ được”.

Tư vấn, chia sẻ

Facebook của tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, là một địa chỉ quen thuộc đối với bạn bè cũng như sinh viên. Theo ông Lý, đây là kênh trao đổi với sinh viên rất hiệu quả. Chẳng hạn, ông từng dùng Facebook để hỏi ý kiến sinh viên về việc đăng ký tín chỉ như thế nào, sau đó nhận được nhiều phản hồi để thực hiện công việc này tốt hơn. “Những phản ánh của sinh viên, thậm chí trái chiều, đều thật và hết sức sống động. Những người làm công tác tiếp xúc với sinh viên nên mở Facebook để đến gần sinh viên hơn”, ông Lý nói.

Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM), kể từ khi lập Facebook cá nhân, ông có thể chia sẻ, nắm bắt nhiều hơn tâm tư của học sinh. “Mỗi khi đăng tải những điều mới, hay, học sinh vào nhận xét, có em suy nghĩ đúng đắn nhưng cũng có em nhìn nhận chưa chín chắn thì bạn bè sẽ điều chỉnh, giáo viên cũng định hướng nhẹ nhàng để học sinh hiểu rõ hơn”, ông Cải cho biết.

Trong giới học sinh - sinh viên có lẽ không ai không biết đến Facebook của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Facebook của ông Hiếu chủ yếu chia sẻ những bài tư vấn về tâm lý học đường, thu hút trên 500.000 bạn bè. Có những bài ông Hiếu đưa lên Facebook nhận được gần 14.000 lượt yêu thích…  

Hiểu rõ hoạt động của con ở trường

Các hoạt động của học sinh lớp mầm 2 Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) đều được các cô giáo cập nhật trên Facebook để phụ huynh có thể biết con đang học gì, chơi thế nào… Giáo viên ở nhiều trường mầm non khác cũng tạo Facebook của lớp. Điểm chung của những trang cá nhân này là đăng tải hình ảnh hoạt động của học sinh theo chủ đề. Có bữa vui chơi ngoài trời, có bữa tập leo thang dây, tập ném bóng rổ…; những dịp lễ hội thì có album ảnh đón Trung thu, Noel…

Nói về ý tưởng của những trang mạng xã hội này, bà Nguyễn Trương Lan, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), cho hay: “Cũng là người mẹ, khi tạo Facebook, tôi thường xuyên đưa hình ảnh của em bé lên để ông bà cùng người thân ở xa thường xuyên nhìn thấy cháu, có cảm giác gần gũi. Đến khi bé đi học cả ngày ở trường, cha mẹ nào cũng nhớ con, không biết hằng ngày bé ăn, ngủ, hoạt động vui chơi như thế nào… Vì lẽ đó, chúng tôi thấy việc tạo Facebook chắc chắn khiến phụ huynh yên tâm hơn khi biết các hoạt động của con ở trường”.

Qua Facebook, các giáo viên còn mở diễn đàn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy, làm đồ chơi cho trẻ. Bên cạnh đó còn kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ những giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đăng Nguyên - Bích Thanh

>> Tạ tội bằng Facebook
>> Facebook thêm tính năng sửa dòng trạng thái
>> Nhật ký Facebook
>> Facebook thắng lớn với chiến lược di động
>> Vẫn cho phép chia sẻ thông tin trên Facebook
>> Những cái tên nổi tiếng nhất trên mạng xã hội
>> Kết nối thanh niên qua mạng xã hội
>> Sẽ xây dựng mạng xã hội cho thanh niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.