Ra dư huyền thoại

06/01/2014 14:09 GMT+7

Vắt vẻo bên lưng dãy Trường Sơn hùng vĩ, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) không chỉ được biết đến với tên gọi “Đà Lạt của Huế”, mà còn nổi tiếng với loại gạo quý mang tên Ra dư, được người đồng bào ví như hạt ngọc trời.

Ra dư huyền thoại

Chị Nguyễn Thị Thỏ và đồi ra dư sắp làm đồng ở xã Hồng Bắc, huyện vùng cao A Lưới - Ảnh: Tuyết Khoa

Vật thiêng của Giàng            

Câu chuyện về loại gạo quý hấp dẫn đến lạ lùng khi tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Đạt, người C'Tu, trú tại xã Hương Lâm. Ông Đạt cho biết, lúa Ra dư được trồng trên nương rẫy, có thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng. Mỗi năm chỉ làm được một vụ. Lúa không dùng bất cứ loại phân bón hay thuốc trừ sâu nào. Cây cao khoảng 1,5 m. Ra dư kén đất màu mỡ nên trước đây giống lúa này được người dân trồng ở vùng đất ven suối hoặc sông nhỏ. Nhưng sau do yếu tố khí hậu cộng thêm sự xói lở của bờ bãi nên lúa được đưa lên trồng trên các nương rẫy, thường là ở lưng chừng núi, nơi có lớp đất dày để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. “Đối với người dân nơi đây, Ra dư là vật phẩm không thể thiếu để cúng Giàng (trời - PV), cúng thần Lúa trong các dịp lễ cơm mới hoặc tiếp khách quý…”, ông Đạt nói.

Sự tò mò của chúng tôi về giống gạo Ra dư được chị Hồ Thị Thỏ (người Tà Ôi, trú tại xã Hồng Bắc) dẫn lên tận đồi lúa ra dư. Chị Thỏ kể, giống lúa Ra dư có từ ngàn xưa, nữ thần Lúa (tức mẹ Lúa) đã ban cho đồng bào A Lưới. Tết cổ truyền Acha Aza của các dân tộc vùng A Lưới chính là tết ăn cơm mới. Đây là ngày hội quan trọng bậc nhất vì mẹ Lúa đã giúp dân bản có cái ăn, được mùa cũng nhờ thần mà mất mùa cũng do người quyết. Theo quan niệm của người Tà Ôi, thần Lúa là nữ thần nên người đàn bà trong gia đình đứng ra làm chủ lễ, thường đó là một nữ cao niên có uy tín với bản làng. Lễ Aza đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc và mở ra một năm làm việc mới. Aza của tất cả các làng ở A Lưới thường được tổ chức trong tháng 10 âm lịch, song thời gian tiến hành của mỗi làng có khác nhau, thường được tổ chức ngay sau vụ lúa, khi Ra dư vừa thu hoạch xong.

“Ra dư thiêng lắm. Không phải ai cũng trỉa được. Nó ưng ai thì nó cho nhiều hạt. Nó không ưng thì nó cho hạt ít nên nhiều người trồng không có hạt mà ăn. Nương mới phát không thể trồng Ra dư liền được mà phải trồng cây khác trước để cải tạo đất. Và phải cúng thổ thần đất đai trước khi gieo hạt Ra dư”, chị Thỏ nói.

Nguy cơ tuyệt chủng

Ông Đạt và chị Thỏ cho biết, những năm gần đây, người dân địa phương đã dần dần ít trồng Ra dư hơn trước, thậm chí nhiều người còn bỏ vì nâng suất cây lúa thấp nhưng lại kén đất màu mỡ. Ở xã Hồng Bắc, nơi trước đây có nhiều hộ trồng gạo Ra dư, anh Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ xã cho biết: “Trước đây anh và nhiều người trong xã trồng nhiều nhưng giờ chỉ còn vài nhà trồng để thờ cúng. Vì thế, gạo Ra dư rất đắt, khoảng 15.000 đồng/lon, nhưng năng suất thấp nên người ta cũng ít trồng. Vì người dân ở đây chủ yếu trồng ăn chứ ít khi bán”.

Ông Trần Phước Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện A Lưới, cho biết: “Ra dư là giống lúa địa phương, tuy thời gian sinh trưởng dài ngày nhưng phẩm chất gạo rất ngon. Tuy nhiên, hiện nay, gạo Ra dư chỉ chiếm 1/3 trong tổng số 700ha diện tích trồng lúa trên địa bàn”.

Ông Hùng cho biết thêm, đứng trước nguy cơ này, Phòng phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành tuyển chọn, khảo nghiệm nhằm phục tráng và hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa đặc sản Ra dư, tạo điều kiện để các địa phương mở rộng diện tích... Bởi, nếu xét về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và phẩm chất gạo thì địa bàn huyện A lưới rất phù hợp cho phát triển giống lúa đặc sản địa phương này. Đây cũng là một tiềm năng của huyện cần được mở rộng để sản xuất thành hàng hóa, tạo thương hiệu gạo Ra dư của huyện A Lưới bán ra trên thị trường.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.