Các trường phổ thông dân tộc nội trú cần nhiều trợ lực

14/12/2013 08:00 GMT+7

Chưa có chính sách ưu đãi đối với học sinh người dân tộc thiểu số, tỷ lệ theo học thấp, thiếu giáo viên… là những khó khăn Cà Mau đang vấp phải sau hơn 2 năm thực hiện đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015.

  Học sinh Trường phổ thông DTNT Cà Mau
Học sinh Trường phổ thông DTNT Cà Mau trong một giờ sinh hoạt  - Ảnh: Chí Tín

Chưa thu hút học sinh

Hiện Cà Mau đã xây dựng được 3 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn gồm: Trường phổ thông DTNT tỉnh Cà Mau (TP.Cà Mau), Trường phổ thông DTNT Danh Thị Tươi (xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời), Trường phổ thông DTNT Hữu Nhem (xã Tân Lộc, H.Thới Bình). Tuy nhiên, qua chuyến khảo sát thực tế mới đây, ông Trần Chánh Quang, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Tuy có 3 trường nhưng thực chất chỉ có Trường phổ thông DTNT tỉnh Cà Mau là trường DTNT đúng nghĩa; 2 điểm trường còn lại đến nay vẫn chưa được đưa vào Đề án nâng cấp mở rộng thành trường nội trú. Do thiếu chính sách ưu đãi theo quy định nên 2 Trường phổ thông DTNT Danh Thị Tươi và Hữu Nhem chưa thu hút được đông học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn theo học, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo.

Thầy Đoàn Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT Danh Thị Tươi, cho biết trường thành lập từ năm 2003, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp khá nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy trò. Ban đầu, trường chỉ có duy nhất một lớp 6, với hơn 30 học sinh. Năm học này, trường có 169 học sinh, trong đó 55 học sinh là người dân tộc. Hằng năm, tỷ lệ học sinh người dân tộc theo học tại trường chỉ chiếm 35 - 40%. Tuy nhiên, ở xã Khánh Bình Tây cũng như toàn H.Trần Văn Thời, các em người dân tộc trong độ tuổi đi học khá đông. Với số lượng học sinh khiêm tốn như vậy, cộng với việc giáo viên chưa đủ chuẩn để giảng dạy tiếng dân tộc, trường đành phải tách riêng các em ra để dạy 2 tiết tiếng dân tộc mỗi tuần (theo quy định 4 tiết/tuần). Mặc dù mang tên là trường phổ thông DTNT nhưng cơ chế hoạt động của trường không khác gì nhiều so với các trường phổ thông bình thường. Học sinh không được ở bán trú, nội trú và không có chế độ hỗ trợ. “Tỷ lệ học sinh bỏ học, trong đó có học sinh người dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức 4,7%, dù chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Hầu hết học sinh theo học tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Lạc chia sẻ.

Tương tự, năm học 2013 - 2014, Trường phổ thông DTNT Hữu Nhem có 56 học sinh người dân tộc trong tổng số 82 học sinh của trường. Đây là con số quá ít so với số con em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học tại H.Thới Bình. Thầy Trần Quốc Hải, Hiệu trưởng nhà trường, lo lắng: “Tuy được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn con người nhưng hằng năm, số lượng học sinh đầu vào của trường rất thấp. Đã vậy không ít học sinh bỏ học giữa chừng. Mặc dù giáo viên đến tận nhà vận động, thuyết phục gia đình và các em nhưng hiệu quả không như mong muốn”.

Huớng đến trường đạt chuẩn

Ông Trần Chánh Quang cho rằng để hoàn thành đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần nắm rõ yêu cầu, phản ánh từ địa phương và các trường để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn. Trong thời gian tới, tỉnh nên xem xét các điều kiện để xây dựng Trường phổ thông DTNT Danh Thị Tươi, Hữu Nhem thành trường phổ thông DTNT cấp huyện đạt chuẩn quốc gia; đồng thời rà soát, bổ sung các điều kiện cần thiết để sớm đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia cho Trường phổ thông DTNT tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần quan tâm và có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt chuẩn nói riêng nhằm bổ sung cho các trường theo yêu cầu giảng dạy.

Chí Tín

>> Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số chưa có việc làm
>> Kịp thời hỗ trợ cho SV-HS dân tộc thiểu số
>> Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập
>> Cà Mau: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khá lên
>> Đào tạo thanh niên dân tộc thiểu số làm du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.