C08 Bộ Công an: Giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Trần Cường
Trần Cường
17/05/2024 19:20 GMT+7

Nêu những tác hại của rượu bia gây ra, đại diện Cục CSGT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Song, nếu ý thức và văn hóa giao thông được hình thành tốt thì sẽ nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.

Chiều 17.5, Cục Truyền thông Công an nhân dân Bộ Công an tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Rượu, bia gây tác hại lớn 

Vấn đề cấm tuyệt đối nồng độ cồn vẫn được nhiều người quan tâm và có nhiều ý kiến. Tại tọa đàm, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đại diện Cục CSGT (C08) Bộ Công an, nêu nhiều vấn đề và giữ nguyên quan điểm cần thiết phải cấm tuyệt đối người uống rượu, bia rồi lái xe.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

TRẦN CƯỜNG

Theo thượng tá Minh, rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người. Theo thống kê, hơn 43.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ở nước ta thì có đến hơn 22.000 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia. 

Trong đó, hơn 50% vụ án giết người, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia và hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở nước ta đều liên quan đến loại đồ uống này.

Do đó, thượng tá Minh cho hay, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ có ý nghĩa đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc đối với xã hội.

C08 Bộ Công an: Giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn- Ảnh 2.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đại diện C08 trả lời tại tọa đàm

TRẦN CƯỜNG

Cạnh đó, thượng tá Minh dẫn chứng, từ năm 2018 - 2023, tổng số nạn nhân bị tai nạn giao thông đến cấp cứu và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là hơn 2,7 triệu người (hơn 420.000 nạn nhân liên quan đến rượu, bia), trong đó số nạn nhân bị chấn thương sọ não lên đến hơn 381.000 người (hơn 70.000 người liên quan đến rượu, bia). Những con số này cho thấy tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn vẫn ở mức rất cao.

"Tai nạn giao thông do rượu bia gây ra hoặc bất kỳ nguyên nhân nào thì đều là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội", thượng tá Minh nói.

Về tình trạng sử dụng rượu, bia, thượng tá Minh cho hay, vấn đề này không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, song một số nước có chế tài rất nghiêm khắc đối với vi phạm nồng độ cồn. 

Phóng viên đặt câu hỏi tại tọa đàm

Phóng viên đặt câu hỏi tại tọa đàm

PHẠM NAM

Theo thượng tá Minh, Việt Nam là một trong số nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn thuộc diện cao trên thế giới, cụ thể đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.

"Có người nói uống rượu, bia là văn hóa ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ thực ra là thói quen, không hoàn toàn hẳn là văn hóa… bất kỳ cuộc vui hay buồn cũng đều lấy rượu, bia làm câu chuyện. Khi bắt đầu uống mà nói uống đến chừng này thì dừng lại vì còn lái xe là rất khó, mà uống nhiều thì không kiểm soát được hành vi", thượng tá Minh nói, và cho hay, trong năm 2023, lực lượng chức năng tăng cường xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn thì số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ 2022.

Với những dẫn chứng trên, thượng tá Minh cho hay, ban soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

"Sau khi ý thức và văn hóa giao thông được hình thành tốt thì lúc đó sẽ nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp", thượng tá Minh nói.

Đi nhậu ăn mừng xuất viện thì bị xử lý nồng độ cồn

Trừ điểm giấy phép lái xe tránh tồn đọng, lãng phí

Về những thông tin cho rằng uống nước hoa quả, siro hay thuốc cũng lên nồng độ cồn, thượng tá Minh khẳng định nồng độ cồn do nước hoa quả, siro chỉ một thời gian ngắn là hết. Người bị kiểm tra có thể ngồi nghỉ 10 - 15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại. Nếu người dân vẫn nghi vấn về kết quả thử tại chỗ thì có thể yêu cầu cho đi xét nghiệm máu.

Về đề xuất bổ sung trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thượng tá Minh cho hay, giao thông Việt Nam rất phức tạp, ý thức người điều khiển phương tiện giao thông bị buông lỏng, đồng thời, cơ quan chức năng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu cho việc quản lý GPLX, nhất là những người bị tước GPLX.

Theo thượng tá Minh, mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn khoảng 500.000 GPLX. Việc tước GPLX đang được thực hiện thủ công, nhiều tài xế đã bỏ không đến lấy làm tồn đọng nhiều giấy phép, gây lãng phí nguồn lực.

Do đó, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, thượng tá Minh cho rằng, điểm trừ của GPLX là quản lý Nhà nước, không phải quản lý hành chính, có tính chất răn đe, cảnh tỉnh đối với mỗi tài xế khi vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.